Em gái [4]

Mẹ Thùy Lâm lâm bệnh nặng, về nước được ít lâu thì qua đời. Từ nhỏ thiếu vắng bố, sống dựa dẫm vào mẹ, những tháng ngày mẹ lâm bệnh trong đau đớn và ra đi đột ngột làm Thùy Lâm trở nên u uất hơn Thùy Lâm hồn nhiên hay ngượng nghịu của tôi ngày thường. Ngày người ta dựng rạp làm đám cho mẹ nó, tôi cùng mấy thằng bạn kéo nhau đến, ngồi hàng giờ ở chiếc bàn đặt ngoài sân làm chỗ ngồi cho khách đến chia buồn. Trong nhà, cỗ quan tài nằm im lìm giữa gian phòng khách, khiến không gian căn phòng như bị thu hẹp lại, khói nhang nghi ngút, Thùy Lâm nhỏ bé trong bộ tang phục trắng toát rộng thùng thình. Mí mắt nó sưng to húp híp và nước mắt như chẳng còn có thể chảy ra được nữa. Nó đứng chắp tay bên cỗ quan tài, cúi đầu lạy trả từng người vào thắp hương. Hành động đó được nó thực hiện như trong vô thức. Gương mặt đờ đẫn vô hồn. Tôi biết nó chẳng nhớ nổi có những ai đã đến, và những việc gì đang diễn ra xung quanh. Thằng em Thùy Lâm lúc đó mới học lớp bốn, cũng trong bộ tang phục trắng, đầu đội mũ rơm, tay cầm chiếc gậy nhỏ. Thằng bé ngơ ngác trước mọi chuyện đang xảy ra, chỉ biết làm theo chị và sự sắp xếp của người lớn, đôi mắt hoang mang một nỗi buồn và sợ hãi ngập tràn. Khách khứa bạn bè đến thăm ai cũng nhìn hai chị em đầy thương hại, có mấy mợ mấy cô lén kéo vạt áo chùi nước mắt, có người lăn ra giữa sàn mà khóc, réo gọi tên mẹ Thùy Lâm thật não nề. Những lần như vậy, xung quanh lại có nhiều tiếng thút thít, sụt sùi hơn. Tôi nghe trái tim tôi bị ai đó kéo chùng xuống, nặng nề bởi một tảng buồn đè chặt lên trên, trái tim không thể cựa quậy, nó thoi thóp giữa tiếng đàn bầu kéo bài Lòng Mẹ nghe ai oán não nề vang lên trong đám tang.

Những ngày sau khi chôn cất mẹ Thùy Lâm, chiều chiều tôi chở Lâm lên căn nhà của mẹ nó quét tước, tưới cây và cho chó ăn. Chị em Thùy Lâm còn nhỏ nên không về nhà mà vẫn ở chung với ông bà, đồ đạc trong nhà của mẹ nó cũng được phân tán đến nhà ông bà và các cậu mợ. Cứ khoảng hai, ba giờ chiều, tôi đạp xe sang nhà ngoại Lâm, hoặc nó đạp xe đến nhà tôi, rồi hai đứa cùng đi lên nhà mẹ nó. Căn nhà nhỏ ấm cúng tôi vẫn thường lui tới ngày nào nay trở nên lạnh lẽo. Cái ảm đạm phủ lên từng đồ vật, ngóc ngách trong nhà, cả những khóm hoa trước nhà và cây cối sau vườn cũng buồn thiu buồn thỉu. Chẳng mấy lâu mà cây ổi mẹ Thùy Lâm trồng, dù đã được chúng tôi buộc cho một mảnh vải trắng xé từ khăn tang lên cành, tự dưng khô héo rồi chết. Con chó ở một mình trong căn nhà vắng chủ, mỗi ngày Thùy Lâm lên mang thật nhiều cơm trộn thức ăn thừa. Con bé sợ động vật, không dám vuốt ve âu yếm gì, chỉ ngồi nhìn con chó ăn. Nhà ngoại nó cũng đã nuôi nhiều chó, không muốn nuôi thêm nữa. Con chó cũng nhìn lại Thùy Lâm, hai con ngươi như hai viên bi màu nâu ánh lên nỗi buồn mênh mông thăm thẳm. Ít lâu thì con chó cũng chết.

Sau mỗi lần lên chăm sóc nhà cửa như vậy, tôi và Thùy Lâm lại cùng nhau đạp xe ra nghĩa địa. Nó đốt nhang bên mộ mẹ, rồi chúng tôi ngồi đó hàng giờ, nhìn những cây bụi khô cằn mọc xen kẽ giữa các ngôi mộ được xây không theo một trật tự nào. Mộ này bằng đất, mộ kia bằng gạch đá khang trang, lại có những ngôi mộ gắn thánh giá, chúng nằm xen kẽ và im lìm cạnh nhau. Đôi lần tôi mang theo cái chai lít rưỡi, ra mương nước ở bờ ruộng gần đó múc từng chai nước đầy, đem lên đổ vào gốc hai cây bằng lăng trồng trước mộ. Nắng gió khô cằn, chỉ mới vừa được trồng xuống và thiếu sự chăm sóc, liệu chúng có lớn lên nổi? Số phận của chị em Thùy Lâm, liệu cũng như hai cây bằng lăng con này? Chúng tôi ngồi bên nhau im lặng thật lâu, khi nén hương đã tàn gần hết và mặt trời cũng tắt nắng, thì lục tục kéo nhau về. Trên bầu trời, từng đàn chim xếp thành hình chữ V bay về tổ. Chúng bay khuất dần sau những rặng cây và những mái nhà xa xa, kéo theo một gam màu xam xám ảm đạm nhanh chóng phủ lấy không gian, nuốt chửng cả bầu trời, và cảnh vật chìm trong thứ ánh sáng mờ mịt của ngày tàn.

Mùa hè cũng là mùa nắng nóng nhất trong năm, được cái không oi nồng khó chịu vì không chịu ảnh hưởng gió Lào như các tỉnh gần hơn về phía Bắc Trung Bộ. Không phải đi học, những buổi trưa, tôi nằm chán chường uể oải trên chiếc ván gỗ, giữa không gian ngập tràn cái mùi ngai ngái quen thuộc của đất dưới nắng hè và tiếng ve kêu rền rĩ trên các tán muồng đầy rẫy quanh xóm, chờ nghe tiếng chân Thùy Lâm chạy ào vào nhà. Hầu như lần nào ghé qua nó cũng ào đến rồi ào đi như một cơn lốc, chỉ kịp dúi vào tay tôi bức thư, cái thiệp nó tự làm hay vài ba trái cóc ổi. Tuổi mới lớn ở cái làng quê nghèo, điện thoại và internet chưa phát triển, cách chúng tôi trò chuyện, trao đổi hàng ngày là viết thư. Cứ hai ba ngày lại một lá thư tay, kể với nhau đủ chuyện tầm phào. Dù là mùa hè ít gặp, hay trong năm gặp nhau đều đều mỗi ngày trên lớp, vẫn hai ba ngày một lá thư được trao đi, hai ba ngày một lá thư nhận lại. Tôi dành hẳn một quyển tập mở sẵn đinh ghim ở giữa để lấy giấy viết thư. Môn Ngữ Văn ở trường tôi học cũng tàm tạm bậc trung, tập làm văn đều đều 5, 6 điểm, vậy mà chỉ riêng Thùy Lâm, người đầu tiên tôi tập tành viết thư, tôi cũng đã viết hết gần hai quyển tập.

Cũng có những hôm, cơn lốc Thùy Lâm không mang quà, thư và những nụ cười, nó khóc, ấm ức kể tôi nghe những chuyện bất công mà một con bé mới lớn không có cha mẹ bên cạnh phải chịu đựng. Non nớt quá, bồng bột quá, nên chẳng thể nào khéo léo được, thường mắc lỗi lầm, mà đương nhiên chẳng có ai đủ rộng lượng như cha mẹ để thứ tha bảo bọc. Ngày ấy tôi không nghĩ được vậy, cũng chẳng khuyên hay chỉ bảo được gì cho Thùy Lâm. Nghe nó kể và khóc chán chê, tôi trụng tô mì gói, hay nhúng ướt xấp bánh tráng mè, bưng ra chén xì dầu, hai đứa húp mì, cuốn bánh tráng chấm xì dầu dằm ớt cay xè, vừa ăn vừa hít hà cho đã. Nó hết khóc, rồi chiều xuống, lại leo lên chiếc xe đạp màu xanh vội vã đạp về nhà. May mắn thay, Thùy Lâm không phải là một con bé hay khóc, nếu nó cứ khóc mãi, tôi cũng chẳng biết làm sao giúp nó khá lên được, và hẳn trong lòng tôi sẽ bứt rứt khó chịu vô cùng.

Điều buồn cười nhất khi nghĩ về những ngày tháng Thùy Lâm hay sang nhà tôi chơi ấy là những lời của bà tôi. Bà đã ngoài chín mươi, răng không còn, nói không rõ, thường nằm lắc lư trên chiếc võng đặt gần cửa lớn trông nhà. Đôi lúc hứng chí, bà cao giọng hát mấy bài hát của dân tộc Hoa mà ngôn ngữ cổ xưa từ đời nào, tôi nghe chẳng hiểu. Mỗi lần Thùy Lâm đến chơi, thấy con bé xinh xắn chào hỏi lễ phép, bà thích lắm. Mấy lần bà đưa tay ngoắc nó.

– Mày lại đây, lại đây tao bảo!

Rồi bà nắm lấy hai tay nó kéo lại gần, miệng móm mém:

– Mày lấy nó đi, nhà này hai thằng con trai nhưng anh nó đi xa rồi, cái nhà này cũng là của nó thôi, mày lấy cháu bà đi!

Thấy hai đứa tôi ngồi giữa cửa tán chuyện hay ăn uống với nhau, bà lại xúi:

– Mày dắt nó ra sau nhà mà nói chuyện, ngồi đây làm cái gì, ở đây có tao trông nhà, chúng mày ra sau đi, cho nó thoải mái!

Mỗi lần như thế tôi hay Thùy Lâm chẳng mắc cỡ gì, tôi nhe răng cười còn Thùy Lâm thì nắc nẻ:

– Ôi, bà ơi, tụi cháu còn nhỏ lắm mà, với lại ông này ổng có người yêu rồi bà ơi!

Những tưởng tôi sẽ mang theo những yêu thương vụng dại dành cho Thùy Lâm giấu kín trong trái tim đi hết thanh xuân của mình. Nhưng may thay, một làn gió mới xuất hiện kéo trái tim thổn thức ghen tuông, dỗi hờn vì bị kiềm nén của tôi bay lên. Mười bảy tuổi, tôi có người yêu.

Tình đầu của tôi hiền lành và ít nói giống tôi, không quá xinh đẹp nhưng tính cách nhẹ nhàng và sự duyên dáng của nàng đã chinh phục trái tim tôi, đưa tôi ra khỏi những giấc mơ ngập tràn hình bóng Thùy Lâm. Hằng ngày chúng tôi gặp nhau ở lớp, thỉnh thoảng đôi ba lần một tuần hẹn nhau đi chơi. Nhà nàng ở khá xa so với nhà tôi và Thùy Lâm, nhưng ít nhất một tuần một lần, tôi đạp xe hơn mười cây số xuống thăm, cùng nàng hàn huyên tâm sự. Chủ đề là gì thì bây giờ tôi chẳng nhớ nổi, nhưng cảnh trí và cảm xúc của những buổi hẹn hò ấy, cùng lần nắm tay đầu tiên đầy ngượng ngập, thì theo tôi nguyên vẹn đến bây giờ.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.

Up ↑